Quá Trình Tu Tập Của Tiểu Thừa
Cư Sĩ Phương Luân | Dịch Giả :Cư Sĩ Hạnh Cơ

Tu tập có quá trình, cũng giống như lữ hành có lộ trình. Từ phàm phu tu đến khi thành quả thánh, không phải chỉ một lần hạ thủ công phu là thành tựu ngay được; mà trong khoảng cách đó, từ điểm khởi đầu cho đến lúc đạt đến điểm cuối cùng, phải trải qua nhiều giai đoạn. Về việc phân chia các giai đoạn này, đại thừa và tiểu thừa có chỗ không giống nhau; bởi vì, lộ trình và thời gian của tiểu thừa đều ngắn ngủi, còn lộ trình và thời gian của đại thừa đều rất dài; cho nên tầng bậc cũng có khác nhau. Thanh văn thừa tu pháp tứ đế. Từ phàm phu(1) cho đến quả vị A lahán, luận về thời gian, nhanh thì ba đời, chậm thì sáu mươi kiếp; phương tiện tu hành có bảy pháp môn, chứng quả có bốn địa vị.

Duyên giác thừa tu phép quán mười hai nhân duyên. Từ phàm phu cho đến Bích chi Phật(2), luận về thời gian, nhanh thì bốn đời, chậm thì một trăm kiếp; sự tu hành chú trọng ở chỗ chứng ngộ, ngộ tới chỗ nào thì chứng tới chỗ đó; cho nên tầng bậc không thể nói rõ ràng được.

Bảy phương tiện gồm có ba hiền và bốn thiện căn. Hợp ba pháp: năm phép quán dừng tâm, quán niệm từng lãnh vực riêng và quán niệm chung các lãnh vực, gọi là “Ba hiền”(3). Hợp bốn pháp noãn, đảnh, nhẫn, và thế đệ nhất pháp, gọi là “Bốn thiện căn”. Năm phép quán dừng tâm tức là dùng năm phép quán niệm để đình chỉ năm lỗi của tâm. Quán niệm từng lãnh vực riêng, tức là, khi tu tập bốn lãnh vực quán niệm, mỗi lần chỉ quán niệm về một lãnh vực. Quán niệm chung các lãnh vực, tức là, khi tu tập bốn lãnh vực quán niệm, mỗi khi quán niệm về một lãnh vực, cùng lúc cũng quán niệm cả ba lãnh vực kia. Ví dụ: Khi quán niệm về “thân không sạch sẽ”, cùng lúc cũng quán niệm thân này là đau khổ, là vô thường, là vô ngã; hoặc quán niệm cả cảm thọ, tâm ý và vạn pháp đều không sạch sẽ. Khi quán niệm về “cảm thọ là đau khổ”, cùng lúc cũng quán niệm cảm thọ ấy là không sạch sẽ, là vô thường, là vô ngã; hoặc quán niệm cả thân thể, tâm ý và vạn pháp đều là đau khổ. Hai lãnh vực còn lại, cũng y như vậy mà suy ra.

Tu tập năm phép quán dừng tâm và bốn lãnh vực quán niệm như trên xong, kế tiếp là tu tập phép quán về bốn sự thật. Trong lúc ngọn lửa vô lậu trí sắp sinh, thì ánh sáng trong tâm khởi phát, đó gọi là “noãn vị”. Thêm một bước, trí tuệ tăng trưởng, đạt đến đỉnh, đó gọi là “đảnh vị”. Lại tiến một bước, tỏ rõ lí lẽ của bốn sự thật, tâm ý trụ yên, vững vàng, quyết định không dời đổi, đó gọi là “nhẫn vị”. Lại tiến thêm nữa, đạt đến điểm cuối cùng của trí hữu lậu, hơn hết tất cả các loài hữu tình trong thế gian, đó gọi là “thế đệ nhất pháp”.(4) Sau khi đã trải qua Bảyphương tiện(5), trí vô lậu phát sinh, dứt tuyệt kiến hoặc trong ba cõi, đó là quả Dựlưu. Từ đó tiến lên đoạn trừ thêm sáu phẩm đầu thô thiển của tư hoặc, đó là quả Nhất lai. Lại tiến lên đoạn trừ nốt ba phẩm sau vi tế của tư hoặc, không còn tái sinh vào cõi Dục nữa, đó là quả Bất hoàn. Khi đã đoạn trừ tư hoặc của cả ba cõi thì vượt thoát ba cõi, dứt hẳn phần đoạn sinh tử, đó là quả A la hán. Trên đây là bốn quả Thanh văn. Sau đây là đồ biểu các địa vị tu tập của hai thừa Thanh văn và Duyên giác:


CHÚ THÍCH

01. Xin xem lại chú thích số 2, bài 34, sách Sơ Cấp Giáo Bản.

02. Xin xem lại nội dung bài 34, sách Sơ Cấp Giáo Bản.

03. Khi quán niệm về “tâm ý là vô thường”, cùng lúc cũng quán niệm tâm ý này là không sạch sẽ, là khổ đau, là vô ngã; hoặc quán niệm thân thể, cảm thọ, vạn pháp đều là vô thường. Khi quán niệm vạn pháp là vô ngã, cùng lúc cũng quán niệm vạn pháp này là không sạch sẽ, là khổ đau, là vô thường; hoặc quán niệm thân thể, cảm thọ và tâm ý đều là vô ngã.
PHỤ CHÚ

(01) Phàm phu: Chữ Phạn “prthag jana”, cựu dịch là “phàm phu”, tân dịch là “dị sinh”. Phàm phu là người bình thường; đối với Phật pháp thì đó là hạng người trí thức còn thiển cận, chưa thấy rõ được đạo lí bốn sự thật. Phàm phu còn bị vô minh chi phối, tâm ý khởi nhiều tà kiến, sinh nhiều phiền não; còn tạo nghiệp và theo nghiệp mà thọ quả báo, không được tự tại. Do tạo nhiều nghiệp nhân khác nhau mà phải thọ nhiều quả báo khác nhau; từ đó mà sản sinh ra nhiều loài chúng sinh khác biệt nhau, cho nên, các nhà tân dịch đã theo ý nghĩa đó mà dùng từ “dị sinh” để dịch chữ Phạn “prthag jana”. Dị sinh cũng có nghĩa là sinh vào các loài không phải thánh nhân. Vì vậy, tất cả chúng sinh chưa bước vào bốn địa vị thánh nhân là Thanh văn (từ quả Dự lưu trở lên), Duyên giác, Bồ tát (từ Sơ địa trở lên), và Phật, đều là phàm phu; theo đó, phàm phu gồm có sáu loài là trời, người, a tu la, súc sinh, ngạ quỉ, và địa ngục; hay nói cách khác, tất cả hữu tình trong ba cõi sáu đường, còn trôi nổi chìm đắm trong sinh tử luân hồi, đều là phàm phu.

(02) Bích chi Phật: là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “Pratyeka buddha”, dịch ý ra Hán ngữ là Duyên giác, hay Độc giác; chỉ cho những vị không có đạo sư hướng dẫn, mà một mình tự giác, tự ngộ để đạt thành quả vị thánh nhân. Hành giả sinh trong đời không có Phật tại thế, Phật pháp đã diệt mất, nhưng do nhân duyên tu tập đời trước, không theo học ai, tự phát sinh trí tuệ mà ngộ đạo, đó là bậc Độc giác. Hành giả sinh trong đời không có Phật tại thế, Phật pháp đã diệt mất, không theo học ai, tự mình có trí tuệ, cảm nhận tính vô thường, hoại diệt của thế gian, thích ở nơi tịch tĩnh, quán sát thấu rõ đạo lí mười hai nhân duyên mà ngộ đạo, đó là bậc Duyên giác. Luận Câu Xá phân ra hai loại Độc giác: Hành giả từng tu theo Thanh văn thừa, đã chứng ba quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, rồi tạm rời xa Phật, một mình tự tu tự ngộ để đạt quả vị A la hán, gọi là “Bộ hành Độc giác”. Hành giả chỉ ở một mình, tự tu tập, trải qua một trăm đại kiếp, tích tụ công đức, cuối cùng được giác ngộ, gọi là “Lân giác Độc giác”. Luận Đại Trí Độ lại nói: Hành giả sinh trong đời không có Phật xuất hiện, hoặc Phật pháp đã diệt, nhưng do nhân duyên đời trước, tự phát trí tuệ, không theo ai học, do thấy được một ít nhân duyên như hoa rơi lá rụng mà trí vô lậu phát sinh, dứt sạch kiết sử, chứng quả Bích chi Phật, gọi là “Duyên giác Bích chi Phật”. Hành giả vốn đã chứng quả Dự lưu, đã thọ sinh đủ bảy lần trong nhân gian, nhưng lần chót này lại không gặp Phật xuất hiện, hoặc Phật pháp đã diệt, bèn tự tu tự chứng ngộ, gọi là “Tiểu Bích chi Phật”; hoặc hành giả từng tu tập trải qua trăm kiếp, tích tụ công đức, tăng trưởng trí tuệ, chứng ngộ thánh quả, gọi là “Đại Bích chi Phật”; cả Tiểu và Đại Bích chi Phật, gọi chung là “Độc giác Bích chi Phật”.

(03) Ba hiền: Người Trung hoa nói “hiền” là chỉ cho những người thiện lương, gồm đủ tài và đức. Trong Phật học, hạng người chưa từng biết tu tập, vô minh còn dầy, tạo nhiều nghiệp ác, gọi là “phàm phu”; hạng người bắt đầu biết tu tập, có chút ít trí tuệ, trừ dần nghiệp ác, dứt dần phiền não, tạo nhiều nghiệp thiện, điều phục tâm ý, tinh tấn tiến tới trước, gọi là “hiền”; khi bước vào quả Dự lưu (tức là bậc “Kiến đạo”) trở lên, hay bậc Sơ địa (Bồ tát) trở lên, gọi là “thánh”. Vậy, HIỀN là địa vị trung gian giữa phàm phu và thánh nhân. Trong quá trình tu tập, ở tiểu thừa cũng như ở đại thừa, địa vị Hiền được xác lập rõ ràng; hành giả có thể theo đó mà tự soi xét, để thấy mình tu tập có tiến bộ hay không. Địa vị Hiền có ba bậc, được gọi là “Ba hiền”, như trong bài học đã nói. Tên của mỗi bậc Hiền này cũng tức là tên pháp môn tu tập của hành giả ở bậc ấy. Ví dụ: Bậc “Ngũ đình tâm quán”, cũng tức là pháp môn “ngũ đình tâm quán” (năm phép quán dừng tâm) mà hành giả ở bậc ấy phải tu tập để đối trị các phiền não tham, sân, si, v.v... Lại nữa, hành giả ở địa vị Ba hiền, tuy cao hơn phàm phu, nhưng vẫn còn ở trong vòng phàm phu, vẫn còn chấp tướng, còn “hướng ngoại” để tìm cầu chân lí; vì vậy, Ba hiền cũng được gọi là “Ngoại phàm” (phàm phu hướng ngoại). – (Xin xem lại chú thích số 1, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I.)

(04) Bốn thiện căn: “Thiện căn” nghĩa là gốc rễ phát sinh ra mọi pháp lành. Ba đức tính không tham, không sân, không si, gọi là “ba thiện căn”, được coi là thể tính của thiện căn. Trái lại, tham, sân, si là nguồn gốc của mọi tội ác, được gọi là “bất thiện căn”. Ở đây, “Thiện căn” là một địa vị (gồm có bốn bậc) trong quá trình tu tập của tiểu thừa, cao hơn địa vị Ba hiền một cấp; địa vị này được gọi là “Bốnthiện căn”. Tuy Ba hiền là địa vị trung gian giữa phàm và thánh, nhưng phải cần bốn loại thiện căn để củng cố thêm, làm cho công hạnh vững chắc thêm, để chuẩn bị cho hành giả tiến vào địa vị “Kiến đạo”, tức rời hẳn phàm phu, bước vào dòng thánh. Bởi vậy, Bốn thiện căn cũng được gọi là “Bốn gia hạnh”. Lại nữa, cũng như cấp Ba hiền, cấp Bốn thiện căn vẫn còn trong vòng phàm phu, nhưng vì đã bỏ được tâm trước tướng, không còn hướng ngoại tìm cầu chân lí, mà biết quay vào quán chiếu nội tâm, phát sinh trí giải tương tự với chánh lí, cho nên cũng còn được gọi là “Nội phàm” (tức là phàm phu hướng nội – đối lại với Ba hiền là Ngoại phàm). Bốn bậc của địa vị Bốn thiện căn là: 1) Noãn vị: Noãn là ấm, tức là hơi ấm của ánh sáng, không nóng như ngọn lửa. Tam Tạng Pháp Số đã đưa ra một hình ảnh rất hay để tỉ dụ: Dùng cái dùi dùi vào gỗ để lấy lửa, trong lúc lửa chưa phát ra thì chỗ dùi đã nóng trước; hơi nóng đó chính là “Noãn vị”. Ở bậc này, dù ngọn lửa trí tuệ vô lậu chưa thực sự phát sinh, nhưng hơi ấm của ánh sáng cũng đủ sức tiêu trừ phiền não, sinh thiện căn hữu lậu, tiếp cận với trí tuệ vô lậu. Đã tu tập đến bậc này, giả sử nhân một lúc thất niệm nào đó mà tạo nghiệp xấu, làm mất thiện căn, bị đọa lạc trở lại vào đường dữ, thì cuối cùng cũng vẫn trở lại thánh đạo, chứng được niết bàn. 2) Đảnh vị: Cao hơn Noãn vị là Đảnh vị. Đảnh là trên cùng, tuyệt đỉnh. Ở bậc này, thiện căn vẫn còn giao động, chưa an định, nhưng từ chỗ giao động này mà phát sinh được thiện căn tối thượng; quán sát và thấy rõ bốn sự thật, như đứng trên đỉnh núi mà thấy rõ bốn phương. Đã tu tập đến bậc này, giả sử có lúc bị đọa lạc trở lại vào dường dữ, thì thiện căn vẫn không bị dứt mất. 3) Nhẫn vị: Cao hơn Đảnh vị là Nhẫn vị. Nhẫn có hai ý nghĩa: xác nhận bốn sự thật, và quyết định không còn thối lui. Ở bậc này, hành giả xác nhận bốn sự thật đúng là chân lí (đích thực là khổ, đích thực là nguyên nhân của khổ, v.v...); thiện căn đã được an định, không còn bị giao động; không còn bị đọa lạc trở lại vào các đường dữ. 4) Thế đệ nhất vị: Đây là địa vị cao tột (đệ nhất) trong thế gian (thế), là đỉnh cao nhất của trí tuệ hữu lậu. Nhờ thiền định không gián đoạn mà phát sinh trí như thật, quán sát năng thủ và sở thủ đều không, chỉ trong sát na kế tiếp là nhập vào Kiến đạo, thành bậc thánh nhân. Bốn loại thiện căn này, tuy còn thuộc trong vòng hữu lậu, nhưng lại có công năng phát sinh loại thiện vô lậu của bậc Kiến đạo; cho nên chúng là gốc rễ của thiện pháp, và được gọi là “thiện căn”. Vả lại, bốn thiện căn này có công năng giúp cho ba hiền vững chắc thêm để tiến vào dòng thánh, cho nên, có thể gộp chung ba hiền và bốn thiện căn, mà thành ra bảy hiền, hay bảy gia hạnh.

(05) Bảy phương tiện: tức bảy bậc hiền. Tất cả chúng sinh muốn đoạn trừ phiền não để giải thoát khỏi ba cõi, chứng nhập niết bàn, cần phải lấy bảy pháp môn làm phương tiện tu tập, đó là: ngũ đình tâm quán, biệt tướng niệm quán, tổng tướng niệm quán, noãn, đảnh, nhẫn, và thế đệ nhất. (Xin xem giải thích ở các phụ chú trên.) Tu tập bảy pháp môn phương tiện này sẽ đạt địa vị gọi là “Bảy phương tiện” (Thấtphương tiện vị), cũng gọi là địa vị Bảy hiền (Thất hiền vị), hay địa vị Bảy gia hạnh (Thất gia hạnh vị). Như vậy, địa vị này là gộp chung hai địa vị Ba hiền và Bốn thiện căn; hay nói cách khác, tu tập viên mãn hai địa vị Ba hiền và Bốn thiện căn, tức là đã hoàn tất địa vị Bảy phương tiện, thoát khỏi địa vị phàm phu, tiến lên địa vị thánh.
BÀI TẬP

1) a/ Hành giả thừa Thanh văn, từ phàm phu tu cho đến khi chứng quả A lahán, cần bao nhiêu thời gian? b/ Hành giả thừa Duyên giác, từ phàm phu tu cho đến khi chứng quả Bích chi Phật, cần bao nhiêu thời gian?

2) Ba hiền của tiểu thừa là chỉ cho những gì? Bốn thiện căn là chỉ cho những gì?

3) Khi tu tập bốn lãnh vực quán niệm, như thế nào gọi là “quán niệm chung các lãnh vực”?

4) Thế nào gọi là noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất pháp?

5) Thế nào là quả Dự lưu? Quả Nhất lai? Quả Bất hoàn? Quả A la hán?
Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Hai
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Học Phật Hành Nghi, Sa Môn Thích Minh Thông Tải Về
2 Học Phật Quần Nghi, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Tải Về

Về Môn Niệm Phật, Tuy Giản Dị Nhưng Rất Rộng Sâu
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang